Diễn Đàn Thanh Niên Cộng Sản Việt Nam

Cộng Hòa xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam

Học đạo đức Bác Hồ phải từ cái gốc phải thức tỉnh được lương tâm con người

Posted by diendantncsvn trên 19/12/2008


Theo đồng chí Lê Duẩn, cái gốc – trong tấm gương đạo đức Bác Hồ là lòng yêu thương con người. Đảng dạy chúng ta, người cộng sản phải kiên định lập trường giai cấp của giai cấp công nhân, chính là kiên định từ cái gốc đó.

Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn Đảng và trong toàn xã hội đang được triển khai.

Tấm gương đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh đã được nêu là: Trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người, sống có nghĩa có tình; cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng.

Theo đồng chí Lê Duẩn, cái gốc – trong tấm gương đạo đức Bác Hồ là lòng yêu thương con người. Đảng dạy chúng ta, người cộng sản phải kiên định lập trường giai cấp của giai cấp công nhân, chính là kiên định từ cái gốc đó.

Từ lòng yêu thương sâu đậm đối với con người mà biết giận kẻ gây ra cảnh khổ nhục cho con người. Rồi người cộng sản không chỉ biết hy sinh mà còn xả thân làm cách mạng để giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, tạo điều kiện cho con người có cuộc sống chân chính, sống bằng lao động, sống trong tình thương và sống theo lẽ phải.

Cũng từ lòng thương yêu con người mà hiểu được thực chất của hai chữ “vào Đảng”. Sống trong xã hội chứng kiến tình cảnh con người bị khổ nhục… mà lòng dửng dưng không chút động lòng, đó là lúc người cộng sản đã ra khỏi Đảng.

Suy nghĩ về các cấp độ đạo đức, thì Bác Hồ chúng ta là tấm gương sáng tuyệt đẹp về cả bốn cấp độ:

Một là, gương đạo đức làm người: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.

Hai là, gương đạo đức cách mạng của giai cấp công nhân: ý thức tổ chức và kỷ luật, ý thức tập thể, đặt cái “tôi” trong “chúng ta”.

Ba là, gương đạo đức người chiến sĩ cộng sản, sống, phấn đấu cho lý tưởng chủ nghĩa cộng sản; triệt để giải phóng con người. Có ý thức trách nhiệm trong vai trò tiên phong, gương mẫu, lôi cuốn quần chúng theo Đảng, bền chí tự học, đóng góp cho Đảng “cái đầu lạnh” với “trái tim nóng”.

Bốn là, gương đạo đức của vị lãnh tụ của một Đảng cộng sản cầm quyền, có uy tín lớn được cả dân tộc tin yêu, nhưng rất khiêm tốn, sống giản dị, chống mọi đặc quyền đặc lợi, không thích được tâng bốc, được sùng bái.

Chính Bác Hồ đã đề xướng nguyên tắc tổ chức Đảng là dân chủ tập trung, coi người lãnh tụ là nhân vật trung tâm đứng cùng hàng để lôi cuốn toàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lôi cuốn toàn Đảng, toàn dân làm cách mạng theo hình vòng xoáy.

Bác không muốn đứng cao hơn tập thể rồi đứng ở đỉnh chóp của Đảng, của dân tộc. Không muốn đứng cao hơn tập thể, rồi coi thường tập thể; không thích được tung hô là lãnh tụ vĩ đại. Và chính Bác Hồ chúng ta với cái đức như vậy mới thật là vị lãnh tụ vĩ đại.

Trong bốn cấp độ về đạo đức nêu trên, Bác Hồ luôn xem đạo đức làm người là gốc, là nền tảng. Bác Hồ cho rằng:

Trời có bốn mùa: Xuân, hạ, thu, đông.

Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.

Người có bốn đức: Cần, kiệm, liêm, chính, thiếu một đức thì không thành người.

Ở trang đầu cuốn Sổ vàng của Trường Nguyễn Ái Quốc, là trường Đảng ở Trung ương, nơi bồi dưỡng, đào tạo cán bộ trung, cao cấp, từ tháng 9/1949 Bác Hồ đã viết: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt được mục đích thì phải cần, kiệm, liêm, chính; chí công, vô tư”.

Nghĩ đến hai chữ “liêm, chính”, tôi nhớ, ngày 15/4/2003, Báo Công an có đưa tin anh Đồng, tài xế taxi đã tìm cách trả lại cho khách là vợ chồng người Mỹ Billy Leepol một túi xách, trong đó có 18.800 USD và 49 triệu 400 đồng Việt Nam.

Đối với người lái xe taxi, đó là số tiền khá lớn, nếu lấy cũng không sợ bị phát hiện, nhưng anh Đồng không tham, đã trả lại cho khách.

Hỏi ra, thì đã được trả lời đơn giản rằng, không tham vì đã nhập tâm lời mẹ dặn, là phải ráng làm lấy mà ăn, đừng tham của người khác, hễ tham thì thâm thôi. Chỉ nhập tâm lời mẹ dặn có vậy thôi mà anh Đồng đã giữ được hai chữ “liêm, chính” trong đạo làm người.

Như vậy, dạy để hiểu lý lẽ về đạo làm người không khó, nhưng hiểu mà làm theo là phải nhập tâm tức là phải thấm sâu vào lòng mình, thành lương tâm của mình như anh Đồng, đối với nhiều người không phải dễ.

Phải có lương tâm làm người mới có hành vi đạo đức làm người. Chúng ta cũng biết có cán bộ gọi là cao cấp, được học khá nhiều về lý luận, về chính trị, tư tưởng, nhưng chỉ tham ăn hối lộ mấy ngàn đôla mà đang tâm làm điều phạm tội, chính là vì học nhiều nhưng chưa nhập tâm.

Để có hành vi đạo đức làm người, cần phải nhập tâm rằng, trong con người có “con” và có “người”, tức là vừa có thú tính vừa có nhân tính. Hành vi theo “con” là theo bản năng sống như loài động vật, đó là thú tính. Hành vi theo “người” là hành vi có ý thức về làm người, tức là sống có suy nghĩ về cái vinh cái nhục, cái đúng cái sai, cái xấu cái tốt, đó là nhân tính. Có phát huy nhân tính mới giữ cho cuộc sống con người có niềm vui và hạnh phúc vì đã làm được điều vinh, điều đúng, điều tốt.

Để giữ được đạo làm người, ngoài việc đấu tranh kiềm chế thú tính, còn phải chống chủ nghĩa cá nhân vị kỷ vì nó dẫn đến những hành vi sai trái với định nghĩa về con người, vốn là một sinh vật mang tính xã hội. Con người ta sống phải nghĩ đến lợi mình mà không hại người, lợi nhà phải gắn với ích nước, lợi cho dân nước mình nhưng không làm hại cho dân nước khác.

Tu dưỡng đạo đức làm người phải là việc tự giác của mỗi người và sự phán xét của xã hội về đạo làm người đối với mỗi con người là hoàn toàn tự do, không một quyền lực nào có thể ngăn cấm.

Tuy nhiên kiểm tra phán xét thật chính xác về đạo đức của bản thân mình chỉ có lương tâm mình. Người ta có thể tạm thời che giấu lỗi lầm của mình về đạo đức để được khen lầm, kính phục lầm đối với mình. Nhưng, nếu có ai làm như vậy thì ngoài sai lầm về đạo đức còn mang thêm tội lừa dối. Khi lương tâm được thức tỉnh, sự ân hận sẽ tăng lên gấp bội. Ân hận là biểu hiện sự trừng phạt của lương tâm.

Nhưng nếu phạm sai lầm mà có sự ân hận sâu sắc thì có thể tránh được tái phạm. Táng tận lương tâm, làm điều giả dối, điều xấu, điều ác mà không ân hận là không còn tính người. Giữ được trọn vẹn đạo làm người rất khó, phải tự rèn luyện thường xuyên, liên tục, đừng để khôn nhiều năm mà buông lỏng tu dưỡng để dại chỉ một giờ mà hỏng cả cuộc đời.

Các biểu hiện về suy thoái đạo đức trong một bộ phận cán bộ đảng viên hiện nay đều thuộc cấp độ đạo đức làm người, tức là suy thoái từ gốc.

Giáo dục, học tập về đạo đức phải đi đến thức tỉnh được lương tâm con người, làm cho mỗi người tự mình hình thành được trong mình một tòa án lương tâm đủ sức phán xét thật nghiêm khắc về đạo đức làm người của chính mình.

Có làm được như vậy, cuộc vận động học tập và làm theo gương đạo đức Bác Hồ lần này mới có thể đạt được kết quả mong muốn

Bình luận về bài viết này